Chủ Nhật, 28/08/2011, 07:01 (GMT+7)
Âm nhạc nơi chốn nhỏ
TT - Mùa mưa, sân khấu ca nhạc vắng bóng. Thị trường ca nhạc cũng tẻ nhạt và đơn điệu hơn với những giai điệu nhộn nhạo đầy buồn chán thường lệ. Nhưng nếu bỏ chút thì giờ dạo quanh các quán cà phê, quán bar, phòng trà nhỏ... có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều gương mặt mới, phong cách mới...
Sài Gòn dường như đang bí mật cựa quậy, tự làm mới mình với trào lưu saloon - âm nhạc của các nghệ sĩ hay các nhóm nghệ sĩ độc lập. Lâu nay giới nghệ sĩ VN nếu không sống dựa vào một hãng ghi âm, một công ty đầu tư, thì cũng sống dựa vào hoạt động của một đoàn ca nhạc hay một đài truyền hình, truyền thanh...
Và bây giờ, những con người mới này đang bước vào đoạn thú vị nhất của những nghệ sĩ độc lập: họ tự giới thiệu mình trên Internet và tự mình tìm đến khán giả, chắt lọc kinh nghiệm và tồn tại bằng nghệ sĩ tính, với cái riêng của mình ở những nơi biểu diễn cô đọng khán giả, những người lắng nghe, thưởng thức thật sự.
3 chàng vụng dại
It’s Time là nhóm nhạc khá biểu trưng cho câu chuyện như vậy. Ba chàng trai (Mai Quốc Việt, Khắc Tuận, Đức Thảo), vốn là những người hát đơn, vô tình tụ họp nhau lại, giới thiệu một khả năng ca hát vui nhộn trên Internet, đột ngột tạo cho mình một lượng khán giả gần 300.000 người xem, chỉ riêng ở trang YouTube. Vỗ trống, hát bè và tâm sự cùng khán giả một cách tự nhiên đã khiến cho nhóm It’s Time trở thành “hàng hiếm” giữa cái chợ âm nhạc đầy những gương mặt biết làm đẹp nhưng chưa hề biết hát.
Giữa những lúc có tin các ngôi sao đòi hàng ngàn USD cho một buổi diễn, hoặc ca sĩ đến hát từ thiện vẫn đòi tiền “xăng nhớt” đến chục triệu, thì những bạn trẻ được ưa chuộng này từng nói đùa rằng họ chỉ đáng giá “150.000 đồng”, tức tiền biểu diễn nhận được của mỗi thành viên.
Thật lòng, It’s Time vẫn chưa phải là một sự thành công hoàn chỉnh hay vượt bậc so với nền âm nhạc VN vốn đã có, nhưng sự hồn nhiên và đôi khi rất vụng dại trong việc tổ chức chương trình của họ đem lại cho khán giả niềm yêu mến vì được thưởng thức cái “thật”, vốn có lẽ đã mất quá lâu trong thị trường âm nhạc VN.
“Tôi thích đi các quán nhỏ, nghe người ta hát và đàn, thấy gần gũi và có phong cách hơn” - Công Tuấn, một doanh nhân từ Lâm Đồng đến Sài Gòn, tâm sự như vậy khi thưởng thức âm nhạc ở quán Phong Nguyệt (Q.3).
Những điệu bộ và trang phục hết sức điệu nghệ theo kiểu Cantopop hay K-pop rất dễ thấy trên truyền hình hay các sân khấu lớn, quả là không thể làm đầy cảm xúc người Việt bằng những giai điệu Việt. Ngoài việc đem lại một không gian giải trí trân trọng hơn, trào lưu đón nhận các nghệ sĩ độc lập ở các điểm giải trí nhỏ dường như còn đang đem lại một giá trị thưởng thức Việt thuần túy.
Thêm một ngả hồi sinh
Đi chậm rãi và đầy ngẫu hứng với phong cách của mình, dẫu biết có thể sẽ bị hạn chế biểu diễn trên truyền hình, ít được mời gọi ở các live show lớn... những nghệ sĩ trẻ này vẫn “lì” với điều đã chọn. Thậm chí những điều nhỏ nhoi mà họ làm được đôi khi lại là bài học lớn cho những ngôi sao ầm ĩ bên ngoài.
Với CD Phong Nguyệt, do ca sĩ Duy Thủy cùng nhạc sĩ Quỳnh Lệ đề xướng, năm ca sĩ thầm lặng ở quán cà phê cùng tên đã dựng nên một quỹ từ thiện dành cho trẻ em trong cả năm. Đêm thứ sáu, ngày 27-8, tại quán I’m Yours (Q.Phú Nhuận), một nhóm nghệ sĩ trẻ do ca sĩ Đức Tiến cổ xúy cũng đã khởi đầu cho loạt chương trình định kỳ mang tên Duyên. Tiền thu được từ chương trình này với niềm hi vọng dài lâu là sẽ góp được chút ít cho người già và trẻ em nghèo khó.
Thói quen tìm đến một nơi thưởng thức âm nhạc phải có “ngôi sao” hoàn toàn không có ý nghĩa ở những điểm hẹn như vậy. Sợ phải nghe loại âm nhạc pha trộn tiếng hát nhép miệng và ồn ào kiểu “đồ hộp”, một lớp khán giả đã chọn sự thưởng thức bằng những loại âm thanh mộc mạc của acoustic và tiếng hát thật, kề bên mình. Những bài hát được chọn lọc khắt khe hơn, những giây phút chia sẻ cũng lắng đọng và sâu hơn. Những nơi chốn đó, tiếng guitar thùng, tiếng violon... được đón nhận trân trọng trong vai trò “giải cứu” khán giả khỏi những cơn hồng thủy âm nhạc son phấn và thảm họa.
Hòa Mi, giọng ca trải nghiệm nhiều lần trên các chương trình truyền hình âm nhạc tuổi teen cũng như nhiều sân khấu thương mại, khi chọn một con đường độc lập theo kiểu riêng qua live show nhỏ ở Jardin d’Amour (Q.1) nói rằng chợt nhận ra cái riêng của mình đang đem lại một lối đi đặc biệt cho mình và khán giả. “Có thể Mi sẽ mất đi một số khán giả quen thuộc, nhưng Mi muốn mình bắt đầu với một phong cách và hình ảnh riêng của mình, như một nghệ sĩ độc lập, không chịu áp lực hoàn toàn của thị trường nữa”, Mi nói.
Không chỉ Hòa Mi, mà có thể kể tên rất nhiều ca sĩ trẻ đang trong trào lưu không muốn mình lặp lại người khác, không muốn bị mòn mỏi trong những điều dễ dãi. Những người như vậy đang bị coi là “cứng đầu” trong khung cảnh âm nhạc của những người biểu diễn dễ bảo, dễ vâng lời trong sự vận hành của guồng máy âm nhạc thị trường.
Một thế hệ biểu diễn mới có vẻ như đã mệt mỏi với những cuộc chạy theo và dẫn đầu trên các bảng xếp hạng vô giá trị. Chọn cho mình một lối tiếp cận khiêm tốn nhưng tràn đầy cảm xúc nghệ sĩ đang là một trào lưu dễ nhận thấy ở các quán cà phê, quán bar... nho nhỏ. Cũng mệt mỏi với sự náo động vô hồn bên ngoài, khán giả đang tìm về những điều đơn giản như vậy. Nhạc Việt cũng đang được thêm một ngả hồi sinh từ những điều đơn giản, từ những ngả đường nhỏ, từ những nơi chốn nhỏ như vậy.
TUẤN KHANH
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/453323/Am-nhac-noi-chon-nho.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét